Nhẹ nhàng tựa một áng mây sáng sớm, nghệ thuật pháp lam Huế như giấc mơ đẹp giữa lòng miền cố đô. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những mảnh đồng trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, trở thành một biểu tượng lịch sử - văn hóa của vùng đất bên bờ sông Hương.
Ngày nay, họa tiết pháp lam đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt nhờ vào vẻ đẹp tinh xảo và giá trị thẩm mỹ cao. Tại Phòng khách SH Premium Lounge Phu Bai, sự kết hợp duyên dáng giữa nét cổ điển của pháp lam và thiết kế hiện đại của phòng khách đã tạo nên một không gian giao hòa giữa quá khứ và hiện tại, khơi gợi cảm hứng sống cho khách ghé thăm.
Từ một hành trình viễn du…
Xuất phát từ phương Tây xa xôi, theo bước chân thương nhân Trung Hoa, pháp lam – hay “pháp lang” như tên gọi nguyên thủy – du nhập vào Việt Nam và dần trở thành nét đẹp gắn liền với cung đình Huế. Để tránh kỵ húy với chúa Nguyễn, người dân cố đô đã gọi tên “pháp lang” thành “pháp lam”.
Năm 1827, dưới thời vua Minh Mạng, sự ra đời của Pháp lam tượng cục đã mở ra thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật này. Từ bức tường thành Đại Nội, mái ngói cung điện cho đến các đồ vật tế tự tinh xảo, pháp lam kể lại một thời vàng son của triều Nguyễn với biết bao dư vang. Những sắc men xanh, vàng, đỏ rực rỡ như gom góp tinh hoa đất trời, gói trọn trong những nét vẽ mềm mại và tinh tế.
Đứng trước Đại Nội Huế, người ta không khỏi trầm trồ trước những mảng pháp lam tuyệt mỹ. Những họa tiết được chế tác kỳ công, mang màu sắc trầm ấm nhưng không kém phần rực rỡ, như làm sống dậy cả một góc trời cố đô. Pháp lam trong kiến trúc cung đình không chỉ là trang trí, mà còn là lời kể chuyện bằng sắc màu trên nền giai điệu ngân nga của thời gian.
Đặc biệt, pháp lam không chỉ hiện hữu trên những tòa cung điện hay các lăng tẩm vua Nguyễn. Nghệ thuật này còn tinh tế hòa mình vào các vật dụng cung đình, từ bát đĩa, bình phong cho đến những chiếc đèn lồng. Qua những món đồ gia dụng được trang trí tỉ mỉ, pháp lam như sợi dây kết nối đời sống dung dị hàng ngày và văn hóa cung đình xưa.
Đến vẻ đẹp vĩnh cửu giữa những biến chuyển của thời gian
Thời gian có thể làm mờ đi nhiều thứ, nhưng nét đẹp của pháp lam vẫn vẹn nguyên như một chứng nhân của lịch sử. Ngày nay, pháp lam không chỉ sống trong không gian cổ kính mà còn bước vào nhịp sống đương đại, trở thành điểm nhấn độc đáo trong nhiều không gian hiện đại.
Giữa không gian phòng khách SH Premium Lounge Phu Bai tại sân bay Phú Bài, pháp lam xuất hiện như một làn gió của truyền thống giữa hơi thở hiện đại. Những mảng pháp lam nhỏ xinh với sắc đỏ, vàng, nâu trầm ấm không chỉ tô điểm cho kiến trúc mà còn tạo cảm giác gần gũi, đưa mỗi hành khách trở về với miền đất cố đô đầy kỷ niệm. Xen lẫn giữa những chi tiết pháp lam là gỗ tối màu, sắp đặt trong bố cục đối xứng, tạo nên một không gian vừa hài hòa, vừa khơi gợi cảm giác thanh lịch, trầm mặc.
Pháp lam không đơn thuần là yếu tố trang trí mà tựa như một lời nhắn gửi của Huế đến từng du khách ghé thăm phòng khách SH Premium Lounge Phu Bai. Trong ánh sáng dịu nhẹ, pháp lam trở thành linh hồn của không gian, gợi nhắc về vẻ đẹp cung đình cổ xưa. Dừng chân tại SH Premium Lounge Phu Bai là dành cho mình một khoảng lặng để chiêm nghiệm và cảm nhận, nơi mà truyền thống và hiện tại giao thoa, để lại trong lòng mỗi người chút vấn vương dịu dàng về Huế.
Nghệ thuật pháp lam Huế, với tất cả những gì tinh túy nhất, không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là niềm hy vọng cho tương lai. Đó là cách mà người dân Huế giữ gìn và tiếp nối di sản của cha ông, thổi hồn vào những mảng sắc màu rực rỡ, để pháp lam luôn sống mãi trong trái tim những ai yêu quý cố đô.
Giữa lòng Huế mộng mơ, nghệ thuật pháp lam ở phòng khách SH Premium Lounge Phu Bai hiện lên như một bản tình ca dịu dàng mà da diết, khơi gợi trong lòng mỗi người niềm yêu mến dành cho văn hóa dân tộc. Để khi nghĩ về Huế, ta không chỉ nhớ đến dòng Hương Giang dịu dàng, cầu Trường Tiền soi bóng, mà còn nhớ đến những sắc màu pháp lam lung linh – một giấc mơ giữa lòng cố đô, mãi ngân vang không bao giờ tắt.